LÃNG PHÍ VÔ TỘI VẠ VÀ TRÁCH NHIỆM NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU


Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh Nguyễn Thị Khá.
ĐOÀN TRẦN

“Lãng phí vô tội vạ, có phải chăng do năng lực cán bộ, do dễ dãi thiếu trách nhiệm hay do lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm? Cần làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm”, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, bà Nguyễn Thị Khá nêu quan điểm.

Có nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng chống lãng phí phải được xem như chống tham nhũng, khi đất nước đang rất cần thêm nhiều nguồn lực để phát triển. Xin cho biết quan điểm của bà?

Tôi rất đồng tình với những ý kiến như vậy. Chúng ta đã có hẳn một luật dành riêng cho công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29/11/2005 và có hiệu lực từ 1/6/2006. 

Nhưng qua hơn 7 năm thực hiện luật này, như đánh giá của Chính phủ, tình trạng lãng phí vẫn chưa ngăn chặn được, công tác tổ chức thực hiện luật chưa nghiêm túc.

Và ở đâu, lúc nào, cũng thường xuyên thấy có sự xuất hiện của lãng phí và có lúc là lãng phí vô tội vạ.

Chẳng hạn, như trong lĩnh vực sử dụng trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015 hiện còn trên 800 dự án chưa hoàn thành, trong đó có những dự án đang triển khai phải cắt, giãn, hoãn tiến độ, chuyển đổi hình thức đầu tư gây lãng phí nguồn lực, có những công trình xây dựng đạt 1/2, 1/3 hay 2/3 tiến độ dự án bị cắt, hoãn kéo dài, gây hư hao, lãng phí theo thời gian, có những bệnh viện huyện xây xong hàng trăm tỷ đồng không có vốn đầu tư trang thiết bị, không thể đi vào hoạt động...

Các nguyên nhân được nhắc đến là công tác quản lý, phân bổ, cấp phép thanh toán và quyết toán vốn có lúc, có nơi còn buông lỏng, chưa tuân theo quy định, còn tình trạng phân bổ vốn ngoài danh mục, vượt tổng mức vốn đầu tư. 

Dự án cho khởi công, nhưng chưa đủ điều kiện bố trí vốn, một số dự án chưa được triển khai lại bố trí vốn, thanh toán khi chưa có khối lượng nghiệm thu, thanh toán chưa chính xác, chưa nghiệm thu theo thực tế thi công, có dự án hoàn thành nhưng chưa có hồ sơ hoàn thành, có công trình hoàn thành nhưng chưa bố trí vốn dẫn đến một số dự án hoàn thành nhiều năm, nhưng chưa quyết toán được... 

Nhưng nguyên nhân của sự chồng chéo, sai trái dẫn đến sự lãng phí vô tội vạ này là gì? Có chăng do năng lực cán bộ, do dễ dãi thiếu trách nhiệm hay do lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm? Cần làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm.

Vấn đề trách nhiệm người đứng đầu trong việc để xảy ra lãng phí như bà vừa nêu cần được xem xét một cách nghiêm túc thế nào?

Trong chương III từ điều 26 đến điều 34 của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu, cơ quan tổ chức và những người liên quan vi phạm về đầu tư xây dựng cơ bản như lập, thẩm định, phê duyệt, khảo sát thiết kế, chọn nhà thầu giám sát thi công cân đối nguồn vốn... phải bồi thường xử lý hành chính kỷ luật, không đúng thủ tục, quy trình thì phải đình chỉ, huỷ bỏ. 

Quy định như vậy, nhưng hướng dẫn cụ thể để thực hiện thì chưa có nên trên thực tế chưa xử lý được trường hợp nào thuộc về trách nhiệm của người đứng đầu.

Do đó, việc sửa Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí lần này cũng đã hướng tới việc quy định rõ hơn về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó, cần bổ sung trách nhiệm giải trình trước cơ quan chức năng và trước công luận của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc để xảy ra lãng phí trong đơn vị mình.

Tình trạng lãng phí chưa ngăn chặn được, còn Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí qua 7 năm thực hiện thì dường như vẫn “bên lề” cuộc sống. Theo bà, nguyên nhân do đâu?

Tôi cho rằng nguyên nhân khiến Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí chưa đi vào cuộc sống là trong thực hiện Luật này, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong một số trường hợp còn thiếu tính khả thi, chưa tính đến năng lực thực hiện, chưa bảo đảm phù hợp giữa ban hành chính sách và nguồn lực thực hiện. 

Chưa có quy định cụ thể hành vi gây lãng phí, chưa có cơ chế, biện pháp hiệu quả trong triển khai thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, việc triển khai còn mang tính hình thức.

Ngoài ra, trong 7 năm qua, Quốc hội đã ban hành nhiều luật mới có liên quan, trong đó có 10 luật chuyên ngành được sửa đổi, bổ sung và 13 luật chuyên ngành được ban hành mới, cũng đã làm cho các quy định trong Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí trở nên khó triển khai thực hiện hơn.

0 comments: