PHIẾM VỀ CHUYỆN GIAI GÁI


Đã nhiều tháng qua, tôi bị hấp dẫn bởi những tiếng nổ của các kho đạn, những chuyện kỳ cục, những điều "Trồi", "Nổi" quanh mình nên trong một chừng mực nào đó, tôi đã quên bẵng đi những vần ca dao mà bà nhà Bắc kỳ của tôi đã chép ra từ trong trí nhớ của bả, để trên bàn viết mỗi ngày như một sự nhắc nhở tôi đừng quên chuyện ngày xưa. Càng hít thở không khí trên cõi đời phiền muộn, đầy dẫy oái ăm này càng lâu chừng nào, người ta càng nhớ và sống với quá khứ nhiều chừng nấy. Vui hay buồn gì, ai trong chúng ta cũng đều có quá khứ và sống với nó ít hay nhiều thì tùy thuộc tâm trạng mỗi người. Thế nhưng, cái "chuyện xưa" mà tôi đề cập dưới đây là chuyện chung, không thuộc về ai cả. Tôi muốn nhân dịp này tầm phào tào lao một chút về những kinh nghiệm sống trong dân gian qua những vần ca dao, xem người xưa đã suy nghĩ và sinh hoạt ra sao, âu cũng là một điều "vệ sinh và bổ". Bây giờ, xin mời bạn đọc những vần ca dao sau:

"Rau răm ngắt ngọn lại trồng
Em thương anh lắm sợ lòng chị ghen
Anh về bảo chị đừng ghen
Để em thấp thoáng ánh đèn cho vui".

Bạn cũng như tôi, có lẽ đều thuộc "nòi tình"? Bạn nghĩ gì và có thấy vừa thương vừa tội nghiệp cho người con gái xưng "em" ấy không? Thương và tội nghiệp cho nàng vì nàng biết phận mình, không có cái chuyện "đến sau" mà cứ ghen ngược, đòi chiếm cứ làm của riêng như chúng ta thường thấy xảy ra trong đời sống hàng ngày. Nàng có đòi hỏi điều gì quá đáng đâu, chỉ xin "thấp thoáng ánh đèn" cho vui thôi mà. Dễ thương biết chừng nào! Đó là nói về nàng, còn người viết ra mấy câu trên thì tôi tin chắc cũng thuộc thành phần "Ta cũng nòi tình, thương người đồng điệu".(Chu Mạnh Trinh) Đó là một người ham thích của lạ, muốn đèo bồng chạy một lúc vài ba "máy" cho đời thêm vui, và thêm rắc rối. Thật ra, trong 10 anh "đần ông" (không phải đàn ông) thì hết 11 anh có máu loạng quạng, léng phéng không ít thì nhiều. Quý vị nam nhi chi chí nào tự xưng mình là người mẫu mực, đạo đức, không hề phiêu lưu, mơ tưởng đến những "vùng đất xa lạ" thì người ấy có thể được sánh ngang với hàng "thánh sống" rồi. Đa phần còn lại, trong đó có tôi, thuộc loại phàm phu tục tử, một thứ "đần ông" chính hiệu ngất ngư con tàu đi. Cho nên, xin có lời bái phục! Phải bái phục các vị thánh sống đó là bởi vì, chính các cụ “đạo-đức-cùng-mình” ngày xưa, đã không ngần ngại mà thốt lên rằng:

"Thế gian ba sự không chừa
Rượu nồng, dê béo, gái vừa đương tơ".

Một nàng thì rất dịu dàng, e ấp, chịu phần lép vế chỉ xin "thấp thoáng ánh đèn" thôi, nàng kia thì can đảm hơn, chận anh giữa đường, níu áo anh lại để than thở với anh vài lời:

"Hởi anh đi đường cái quan
Dừng chân đứng lại em than vài lời
Đi đâu vội thế anh ơi
Công việc đã có chị tôi ở nhà".

Và một nàng khác, tuy cũng thương anh nhưng rất thực tế, nàng cảnh giác tối đa chỉ sợ bà cả vác dao chém cho vài nhát thì còn chi là đời nữa:

"Gặp anh em cũng muốn chào
Sợ rằng chị cả dắt dao trong người".

Tục ngữ có câu "cái nết đánh chết" cái đẹp, nghĩa là coi chuyện nhan sắc của người phụ nữ không quan trọng bằng tính nết. Tục ngữ nói vậy thì ta cứ biết như vậy, nhưng cái hấp dẫn đầu tiên của người phụ nữ đối với các đấng nam nhi là cái gì? Có phải nhan sắc của người phụ nữ ấy không? Tôi không biết người yêu của Chí Phèo trong tiểu thuyết của Nam Cao xấu xí ra sao nhưng các cụ ngày xưa vẫn một mực cương quyết:

"Chẳng thà chịu lạnh nằm không
Còn hơn có vợ lẹm cằm răng hô".

Cằm lẹm, răng hô thì các cụ chê đã đành rồi mà ngay cả đến cô nàng có cái mặt mo phinh phính, chân lại đi vòng kiền chữ bát thì có cho không, các cụ cũng chẳng thèm:

"Người mà phinh phính mặt mo
Chân đi chữ bát, có cho chẳng thèm".

Ngược lại, người con gái có đôi mắt lá răm, chân mày lá liễu thì đúng là của quý, đáng trăm quan tiền:

"Người mà con mắt lá răm
Chân mày lá liễu đáng trăm quan tiền".

Đến đây bạn có thể thắc mắc: thế cái loại nhan sắc nào của các nàng khiến các cụ nhìn rồi muốn chửi(?):

"Mặt má miếng bầu, nhìn lâu muốn chửi
Mặt chữ điền, tiền rưỡi cũng mua".

Các cụ có được những hiểu biết về cách ăn ở, đốI xử của những người chung quanh là do quan sát, tích lũy kinh nghiệm rồi đối chiếu, so sánh để có một nhận định chung. Theo đó, người phụ nữ nào mà đáy thắt lưng ong thì khéo chiều chồng và khéo nuôi con. Còn "mệ" nào béo trục béo tròn thì ăn vụng như mèo lại hay rầy rà con cái. Đúng được bao nhiêu phần trăm thì khó mà khẳng định, có điều những hình ảnh đó đã truyền lạI cho con cháu suốt bao thế hệ và đã ở lại mãi mãi trong văn chương bình dân:

"Người mà đáy thắt lưng ong
Vừa khéo chiều chồng vừa khéo nuôi con
Những người béo trục béo tròn
Ăn vụng như chớp, cấu con cả ngày".

Cũng qua kinh nghiệm trên một số người mà các cụ có nhận xét:

"Trai Nhâm Đinh Quý thì tài
Gái Nhâm Đinh Quý phải hai lần đò".

Hai lần đò là trong cuộc đời của người phụ nữ có cái tuổi NhâmđDinh-Quý này sẽ có tới hai đời chồng. Ngày xưa, ít có vụ ly dị mà chỉ khi chồng chết rồI người đàn bà mới tái giá, đi thêm một bước nữa. Còn thời nay, nhất là ở trên xứ Mỹ tự do một cách kỳ cục này thì không hẳn là do chồng chết mà là do không còn "hạp" nhau nữa nên "anh đường anh, tôi đường tôi" đấy thôi. Không nói tới chuyện tiền bạc, dốp diếc làm chi, chỉ cần chàng ngủ ngáy hơi lớn tiếng là nàng vác đơn ra tòa ca bài "hai giòng sông ly biệt" rồị (Nhân nói về một người đàn bà đi thêm bước nữa gọi là tái giá, tôi thấy tiếng Việt ta thật hay và phong phú. Đàn ông vợ chết, lấy vợ khác gọi là tục huyền, còn đàn bà lấy chồng khác gọi là tái giá. Tôi đã lẩn thẩn nghĩ rằng trong trường hợp các bà, sao ta không gọI là "tục tỉu", có phải vui hơn không? Nghĩa là: đàn ông, vợ chết, lấy vợ khác: gọi là tục huyền. Đàn bà, chồng chết, lấy chồng khác: gọi là tục tỉu. Cũng đều bắt đầu bằng chữ "tục" cả. Tái nạm tái gầu vào đây làm chi cho thêm phiền toái!). Trong khi đó, về cánh đàn ông, các cụ không e ngại gì mà tuyên bố thẳng thừng rằng:

"Sông bao nhiêu nước cũng vừa
Trai bao nhiêu vợ cũng chưa vừa lòng".

Hoặc :

"Trong nhà có sẵn yến ngâm
Lại còn muốn những nhung sâm nước ngoài".

Và đây là một chàng tuy đã có vợ nhưng không lúc nào quên cô bồ nhí của mình:

"Con quạ bay xa, bay qua vuờn hoa kêu chua chát
Con nhạn đậu lầu vàng nghỉ mát kêu sương
Nhạn kêu tiếng nhạn đau thương
Đêm nằm nhớ vợ, ngày thường nhớ em".

Chàng có vợ bé hoặc bồ nhí hay cho rằng vợ ngườI khác đẹp vợ mình thì cũng là chuyện thường tình nhưng chàng sẽ là một tên "đại cà chớn" nếu có tà ý đem lòng thương yêu vợ bạn. Chàng cũng hiểu như thế là bất nhơn, là không đạo đức:

"Ai xui ai khiến bất nhơn
Tui thấy vợ bạn tui thương hơn vợ nhà".

Còn chàng có thương vợ người khác mà không được thì thôi chứ chẳng lẽ ăn vạ hay tự tử (?):

"Buồn tình chẳng muốn nói cười
Bởi thương vợ người không được thì thôi"

Thương không được thì thôi chứ không như mấy anh chàng có máu "dê" đầy mình và gan góc, chết thì chịu chứ quyết theo đuổi nàng cho tới cùng:

"Dao phay kề cổ, máu đổ không màng
Chết tôi, tôi chịu, buông nàng không buông".

Nếu chàng gan dạ và can đảm cùng mình như thế thì hẳn chàng có nhiều lá gan và không chỉ chàng dành riêng cho vợ mà còn cho người khác nữa:

"Đàn ông năm bảy lá gan
Lá ở cùng vợ, lá toan cùng người".

Đó chỉ mới là "toan tính" thôi chứ chưa chắc đã dám hành động rõ ràng dứt khoát như trường hợp của phe tóc dài dưới đây:

"Hai tay cầm hai quả hồng
Quả chát phần chồng, quả ngọt phần trai
Đêm nằm vuốt bụng thở dài
Thương chồng thì ít, thương trai thì nhiều".

Như thế, cuộc sống lứa đôi của cặp vợ chồng trên đây không có gì bảo đảm sẽ tồn tại với thời gian, không thể nào ăn đời ở kiếp đến răng long đầu bạc được. Người chồng ở đây là một người chồng đau khổ. Anh đau khổ là phải vì lỗi là do chính anh chứ không phải nguyên do nào khác. Vợ anh không thương anh mà đem lòng thương trai là do anh đần độn quá sức:

"Một là em lấy chồng quan
Hai là chồng lính, ba là chồng dân
Nhưng em không chịu lấy chồng đần
Về nhà cha mẹ mắng, ra đường chị em khinh".

Cái quan niệm chọn chồng của người đàn bà ở trên thật minh bạch. Lấy ai cũng được, sang hèn gì cũng xong nhưng không thể đi nâng khăn sửa túi cho một anh ngu đần, ăn nói vụng về luôn luôn gây phật lòng ngườI khác. Có một câu chuyện kể rất tiếu lâm về một anh chồng đần độn kiểu này như sau: "Một anh chồng trong một gia đình nọ, vừa ngu vừa vụng về. Hễ mở miệng ra là đem bực mình đến cho người khác. Vì thế, trong mọI giao tiếp, bà vợ phải cấm chỉ anh ta, không cho nói gì hết. Một hôm, hai vợ chồng được mời dự bữa tiệc đầy tháng con của một người bạn. Bà vợ dặn chồng là suốt bữa tiệc, phải im lặng hoàn toàn. Anh chồng nghe lời. Đến dự, mặc cho thiên hạ nói gì thì nói, suốt buổi anh thủ khẩu như bình. Đến lúc tiệc tan, mọi người chia tay nhau ra về, mỗi người đều nói một lời chúc tụng nào đó cho cháu bé. Anh chồng buộc lòng phải phát ngôn. Anh bèn nói với chủ nhà, là mẹ của đứa trẻ sơ sinh: "Chị thấy đó, từ đầu tiệc đến giờ, tôi hoàn toàn không có nói điều chi cả. Lỡ ngày mai cháu bé có chết, chị đừng có đổ thừa là tại tôi đấy nhá"."Cánh đàn ông chúng ta thường tự nhận mình là "đần ông" để vuốt ve, thỏa mãn tự ái của các bà chứ nếu các bà thật sự chê chúng ta là ngốc, là đần thì ta đành phải xách xe không chạy mút chỉ cà tha thôi:

"Một đêm quân tử nằm kề
Còn hơn thằng ngốc vỗ về quanh năm".

Hay :

"Một ngày dựa mạn thuyền rồng
Còn hơn chín tháng nằm trong thuyền chài".

Nàng không chịu lấy chồng ngu đần đã đành rồi nhưng nếu anh chồng thuộc loại “quanh quẩn xó bếp", tối ngày bám váy vợ, nàng cũng chê trách nữa:

"Chồng người đi ngược về xuôi
Chồng tôi ngồi bếp để "buồi"chấm gio!"

Ngay cả đến chuyện người đàn ông ngủ trưa hoặc sáng xỉn chiều say cũng bị chê trách:

"Giàu đâu đến kẻ ngủ trưa
Sang đâu đến kẻ say sưa tối ngày".

Và có lẽ không có gì "đau khổ" và bực mình hơn là lấy phải một anh chồng "vô tích sự", chẳng làm ăn gì được. Nàng phải nhắc khéo chàng nhưng liệu chàng có khứng chịu hay không lại là chuyện khác:

"Có chồng phải "ấy" ai ơi
Cớ sao anh lại khơi khơi nằm kề?"

Từ Đông sang Tây, một ngàn năm trước hay một triệu năm sau, bất cứ ở đâu, thời nào cũng có những ngườI đàn bà không đoan chính, tự do xả láng sáng về sớm. Có chồng thì càng dễ "lăng ba vi bộ", vì đã có người đứng mũi chịu sào rồi mà.

"Có chồng càng dễ chơi ngang
Đẻ ra con thiếp con chàng con ai ?"

Và còn ra cái điều "thách thức" nữa các cụ ạ:

"Con tôi đi kiếm về đây
Có cho nó gọi bằng thầy thì cho".

Không những thách thức mà còn trân tráo, đanh đá, trơ mặt ngồi xổm trên luân thường đạo lý nữa mới là kinh hãi. Trong đời, bạn đã từng gặp loại người đàn bà này chưa ?:

"Lẳng lơ cũng chẳng có mòn
Chính chuyên cũng chẳng sơn son để thờ".

Tuy nhiên dù có lẳng lơ hay chính chuyên thì cuối cùng không ai có thể sống mãi trên cõi đời đầy dẫy oan nghiệt này, và ai cũng như ai, cũng nằm sâu dưới 3 thước đất chứ có khác cái gì đâu.

"Lẳng lơ chết cũng ra ma
Chính chuyên chết cũng đem ra ngoài đồng".

Trường hợp nàng gặp phải một anh chồng ba phải, phổI bò, không quan tâm thắc mắc gì đời sống của nàng, ra cái điều rộng lượng thì nàng cũng có quyền rong chơi với ngày tháng chứ:

"Em đây là gái năm con
Chồng em rộng lượng, em còn chơi Xuân".

Thà là như thế còn hơn là cái cảnh đêm nay để cửa chờ chồng, đêm mai thì chờ ông láng giềng:

"Đêm qua để cửa chờ chồng
Đêm nay để cửa chờ ông láng giềng".

Ngày xưa, khi người chồng qua đời, người vợ để tang 3 năm, sau đó có quyền lấy chồng khác. Tuy thế, cũng không ít trường hợp chưa mãn tang, người đàn bà đã vội có người đàn ông khác:

"Mả chồng còn đó trơ trơ
Đã cùng người khác đợi chờ năm canh".

Bên cạnh đó cũng có những người vợ rất đàng hoàng, đoan chính, nhỏ nhẹ thưa với người đi theo tán tỉnh mình rằng "cám ơn những tình cảm anh dành cho tui nhưng xin anh đừng đến nhà tui nữa kẻo chồng tui ghen":

"Có lòng thì tạ ơn lòng
Anh đừng đến nữa mà chồng em ghen".

Trong đời sống hàng ngày, vợ chồng chia bùi xẻ ngọt với nhau. Không ai có thể săn sóc lo lắng cho nhau tận tình như vợ với chồng. Thử hình dung ra cảnh ngườI chồng đau nằm liệt giường, người vợ lo thuốc thang, chân thấp chân cao bưng thuốc đến cho chồng uống, vừa đi vừa vái trời cho chồng mạnh khỏe để cùng ăn đờI ở kiếp. Làm sao ta không thương hết mình những người vợ như thế được:

"Cầm con dao sắc, cắt một củ gừng
Bỏ vô nồi đất, sắc lại vài phân
Cái tay em bưng, cái chân em bước
Mái tóc em xước, cái lược em rơi
Vừa đi vừa vái ông trời
Cho chồng em mạnh, ở đời với em".

Nếu người đàn bà thương chồng nhiều đến thế thì hẳn nhiên là cũng thương con ngập lòng. Nàng bương chải đi làm nuôi con, mặc cho áo rách, vai sờn:

"Em đi làm mướn nuôi ai
Cho áo em rách, cho vai em mòn
Em đi làm mướn nuôi con
Áo rách mặc áo, vai sờn mặc vai".

Một hình ảnh khác cho thấy sự buôn tần bán tảo và bương chải ngược xuôi, đầu tắt mặt tối để lo sinh kế gia đình của người đàn bà đến nỗi vú nàng xẹp, lưng nàng teo:

"Một ngày ba trận trèo đèo
Vì ai vú xẹp, lưng teo hởi chàng?"

Nhìn chung, qua những vần ca dao, chúng ta có thể hình dung và hiểu được những suy nghĩ cùng tâm tình và cách sống của dân gian. Cũng qua ca dao, người xưa đã để lại cho chúng ta một kho tàng về kinh nghiệm sống trên mọI lãnh vực, trong đó đáng kể nhất là kinh nghiệm nói về bản chất không thể thay đổi ở một số người, hay nói nôm na là khi đã thành "tật" rồi thì khó mà chữa được:

"Trời nắng rồi lại trời mưa
Tính nào tật nấy có chừa được đâu".

Huỳnh Văn Phú

0 comments: