156 TỈ ĐỒNG VÀ SỰ SÒNG PHẲNG TRÁCH NHIỆM

Liều thuốc đắng có giá 156 tỉ!

Một sự kiện, thật khó để gắn kèm một tính từ định lượng, vừa diễn ra khi Bộ GTVT chính thức kiến nghị Chính phủ về việc bồi thường 155,9 tỉ đồng cho nhà thầu Tokyu, Nhật Bản. Nguyên do, phía Việt Nam làm chậm tiến độ với khoảng thời gian 27 tháng, khiến nhà thầu phát sinh khoản kinh phí bổ sung lên tới 155,9 tỉ đồng.

Sẽ có nhiều sự xót xa. Sẽ có những câu hỏi trách nhiệm. Và tất nhiên, cả những đòi hỏi rằng không thể cứ lấy tiền ngân sách ra mà nộp phạt, cho lỗi của một ai đó, vì một nguyên nhân nào đó, “khó khăn khách quan” chẳng hạn… 

Bởi 155,9 tỉ đồng bồi thường là một thứ trái đắng thật sự, bởi dù lấy ở đâu, về bản chất cũng là từ tiền thuế của dân. 

Cũng cần phải nói ngay, kiến nghị của ngành GTVT là một đối xử sòng phẳng và công bằng. Không có lý gì các cơ quan nhà nước luôn đòi một khoản bảo lãnh công trình lớn như một gánh nặng, liên tục phạt tiến độ đối với các nhà thầu, bất kể lý do… trong khi luôn từ chối nghĩa vụ, nhiều khi đơn giản chỉ là thanh toán đúng tiến độ. 

Nhưng điều đáng bàn nhất trong vụ bồi thường vô tiền khoáng hậu này, không phải là sự sòng phẳng, cũng không chỉ là câu hỏi trách nhiệm… mà là tiền lệ từ vụ việc cầu Nhật Tân có thể tạo ra.

Ngay khi Bộ GTVT có văn bản báo cáo Chính phủ về việc bồi thường, đã có vô số những lo lắng rằng “sự kiện Nhật Tân” có thể tạo ra một tiền lệ xấu khi “nguy cơ đền bù ở các dự án khác là rất lớn” mà chẳng nói đâu xa, chẳng nhìn đâu xa, là những dự án “hàng xóm” của dự án cầu Nhật Tân, và vô số kể những dự án chậm tiến độ từ lỗi của các cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương... 

Nhiều người đã nói đến việc “thương lượng”, nhắc đến hai chữ “đầu tiên”, đã bảo cần “khéo léo” để sau “sự kiện Nhật Tân” không trở thành một tiền lệ cho những vụ đòi bồi thường sau này. 

Nhưng tại sao lại coi đó là một tiền lệ xấu khi đó là sự công bằng? Tại sao lại lo lắng những vụ kiện bồi thường sau đó khi trách nhiệm của cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương cũng bình đẳng như trách nhiệm của các nhà thầu, và xa hơn, là trách nhiệm đóng thuế của dân?

Đó chỉ có thể là một tiền lệ xấu. Nhưng là tiền lệ xấu từ việc người dân phải bỏ tiền thuế đền bù cho sai phạm của một ai đó, ở một đâu đó, chứ không phải tiền lệ xấu về một sự bất bình đẳng. 

Đừng bao giờ thản nhiên rằng đó là “trách nhiệm tập thể”. Bởi trách nhiệm tập thể, đã có tiền lệ, có nghĩa là trách nhiệm của người dân và cũng đồng nghĩa việc chẳng phải là trách nhiệm của ai cả.

Với tư cách là địa phương chịu trách nhiệm, Hà Nội có thể coi đó là một trái bồ hòn, đã phung phí 156 tỉ. Nhưng với tư cách người đóng thuế, người dân sẽ coi đây là một liều thuốc đắng, dù nó “đắt” đáng để phẫn nộ. 

Lẽ hiển nhiên, Hà Nội cần một trái bồ hòn, cũng như đất nước cần một liều thuốc đắng, dù nó đắt đến thế nào, để trái bồ hòn hay liều thuốc đắng cầu Nhật Tân hôm nay sẽ không trở thành một tiền lệ dành cho những người đang gánh vác trách nhiệm tiêu tiền thuế của dân

Nguồn: Lao Động
----------------
Tên tiêu đề do Trelangblogspotcom tự đặt. Xin cáo lỗi cùng tác giả và quý báo Lao Động.

0 comments: